Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 thì phạm vi ranh giới của quy hoạch sẽ được mở rộng đến một phần diện tích của các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà với tổng diện tích đất tự nhiên 335.930ha. Ngoài Đà Lạt như hiện nay (39.440ha) thì diện tích còn lại của quy hoạch này hầu hết đều thuộc đô thị vệ tinh (6 đô thị vệ tinh) có tầm quan trọng đặc biệt cho sự phát triển trong tương lai của Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung. Đó là các đô thị vệ tinh Liên Nghĩa - Liên Khương (Đức Trọng), Phi Nôm - Thạnh Mỹ (Đức Trọng, Đơn Dương), Lạc Dương (Lạc Dương), Nam Ban (Lâm Hà), Drann (Đơn Dương) và Đại Ninh (Đức Trọng).
 |
Những đô thị vệ tinh sẽ tạo nhiều không gian vui chơi, giải trí hơn cho trung tâm thành phố Đà Lạt hiện hữu |
Các đô thị vệ tinh của Đà Lạt nói trên được xếp từ đô thị hạng 3 (Liên Nghĩa - Liên Khương) đến hạng 4 (Phi Nôm - Thạnh Mỹ, Nam Ban) và hạng 5 (Lạc Dương, Drann, Đại Ninh).
Trong số 6 đô thị vệ tinh của Đà Lạt, Liên Nghĩa - Liên Khương được xác định là đô thị vệ tinh quan trọng nhất. Bởi lẽ, theo quy hoạch, dự báo đến năm 2030, đô thị vệ tinh Liên Nghĩa - Liên Khương có quy mô dân số đô thị khoảng 95.000 - 105.000 người và đất xây dựng đô thị khoảng 2.600ha; là đô thị tổng hợp, trung tâm chính trị - hành chính của huyện Đức Trọng chia sẻ chức năng với TP Đà Lạt; là cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; là trung tâm công nghiệp công nghệ cao và khu phi thuế quan cấp vùng. Đây sẽ là đô thị vệ tinh được phát triển theo mô hình “nén” thành một cực đô thị quan trọng với các trục không gian chủ đạo là trục Quốc lộ 20 và 27; trục đường Nguyễn Trãi - Thống Nhất - Trần Hưng Đạo (Đức Trọng) và trục cảnh quan sông Đa Nhim. Đặc biệt, trong tương lai, ở khu đô thị vệ tinh Liên Nghĩa - Liên Khương sẽ hình thành khu trung tâm thương mại - dịch vụ hỗn hợp cấp vùng (khoảng 54ha), khu phi thuế quan thương mại - dịch vụ cao cấp (khoảng 106ha) giáp Cảng hàng không quốc tế Liên Khương về phía Nam và các khu chức năng khác như trung tâm chuyên ngành và phát triển thương mại - dịch vụ hỗn hợp, trung tâm chính trị - hành chính... Thêm vào đó, đô thị vệ tinh Liên Nghĩa - Liên Khương trong tương lai sẽ là đô thị kết nối với trung tâm du lịch hỗn hợp hồ Đại Ninh và đô thị Đại Ninh (dự kiến sẽ được hình thành vào năm 2030), với hệ thống công viên đô thị ở phía Nam và dọc theo sông Đa Nhim nhằm đảm bảo về sinh thái với không gian mặt nước hồ Đại Ninh; kết nối với trục đô thị vành đai phía Nam Sân bay Liên Khương và quốc lộ 27.
Trong 2 đô thị vệ tinh loại 4 thì đô thị Phi Nôm - Thạnh Mỹ có lẽ được nhiều người quan tâm hơn. Dự báo đến năm 2030, đô thị vệ tinh này có quy mô dân số khoảng 55.000 - 65.000 người và đất xây dựng đô thị khoảng 1.700ha. Cũng giống như Liên Nghĩa - Liên Khương, đô thị vệ tinh Phi Nôm - Thạnh Mỹ sẽ là đô thị tổng hợp và là trung tâm chính trị - hành chính của huyện Đơn Dương. Với riêng Phi Nôm - Thạnh Mỹ còn có điều đặc biệt quan tâm là, đây là đô thị chuyên ngành về nghiên cứu công nghệ sinh học, về nông nghiệp công nghệ cao ở tầm quốc gia và quốc tế; và là trung tâm hội chợ - triển lãm về sản phẩm nông nghiệp cấp vùng. Về phát triển không gian, đô thị vệ tinh Phi Nôm - Thạnh Mỹ sẽ được phát triển từ ngã ba Phi Nôm theo quốc lộ 20 về phía bắc đến ngã ba đi vào hồ Đạ Ròn (thuộc huyện Đức Trọng) và từ quốc lộ 20 về phía đông đến thị trấn Thạnh Mỹ hiện nay (thuộc huyện Đơn Dương) thành một cực đô thị quan trọng chia sẻ chức năng với TP Đà Lạt. Cùng đó, ngoài trung tâm chính trị - hành chính của huyện Đơn Dương, đô thị vệ tinh Phi Nôm - Thạnh Mỹ còn có các trung tâm chuyên ngành cấp vùng như trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao (phía tây thị trấn Thạnh Mỹ ngày nay), trung tâm nghiên cứu và đào tạo công nghệ, bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, trung tâm hội chợ - triển lãm... Cùng là đô thị vệ tinh loại 4, Nam Ban được xác định là đô thị kinh tế phía tây vùng phụ cận TP Đà Lạt, là trung tâm du lịch sinh thái - cảnh quan và văn hóa bản địa với quy mô dân số khoảng 20.000 - 23.000 người và đất xây dựng khoảng 500ha vào năm 2030.
Ngoài 3 đô thị cấp 3 và cấp 4 kể trên, đô thị vệ tinh Đà Lạt còn có Lạc Dương, Dran và Đại Ninh được xếp vào đô thị loại 5. Với đô thị vệ tinh Lạc Dương (thị trấn Lạc Dương ngày nay) được xác định là trung tâm chính trị - hành chính của huyện Lạc Dương; là trung tâm du lịch văn hóa dân tộc bản địa và trung tâm nông nghiệp công nghệ cao với quy mô dân số khoảng 8.000 - 12.000 người và diện tích đất xây dựng đô thị là 300ha. Theo định hướng phát triển, ngoài việc cải tạo và chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu thì đô thị vệ tinh Lạc Dương trong tương lai còn được hình thành các khu dân cư mới với mật độ thấp dọc tuyến đường 726 và đường Langbian, gắn khu du lịch hồ Đan Kia - Suối Vàng với vùng rừng cảnh quan tự nhiên ở phía bắc với núi Langbian thành khu văn hóa dân tộc bản địa kết hợp với không gian nông nghiệp công nghệ cao. Với 2 đô thị vệ tinh loại 5 còn lại, đô thị Drann đến năm 2030 có quy mô dân số khoảng 18.000 - 21.000 người và đất xây dựng đô thị khoảng 350ha; là đô thị chuyên ngành kinh tế phía đông và vùng phụ cận của Đà Lạt; là trung tâm du lịch sinh thái cảnh quan và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cùng đó, đô thị Đại Ninh sẽ có dân số khoảng 14.000 - 16.000 người và đất xây dựng khoảng 350ha; là đô thị chuyên ngành dịch vụ du lịch gắn với khu du lịch sinh thái hồ Đại Ninh.
Trong tương lai, theo định hướng phát triển, chắc chắn các đô thị vệ tinh của TP Đà Lạt sẽ có một vị trí rất đặc biệt trong sự phát triển của Đà Lạt và cả sự phát triển của chính đô thị vệ tinh đó.